Tổng công ty Điện lực miền Nam hoàn thành chuyển đổi số 5 lĩnh vực trọng tâm
Trong suốt quá trình chuyển đổi, EVNSPC luôn lấy khách hàng sử dụng dịch vụ điện làm trung tâm. Theo đó, đề án tổng thể chuyển đổi số trong EVNSPC chia thời gian thực hiện chuyển đổi thành 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 (2021 - 2022), EVNSPC đã hoàn thành 100% chuyển đổi số trong một số hoạt động cốt lõi. Đó là việc kết nối thành công với các hệ thống dữ liệu quốc gia, kết nối với Tổng Cục thuế và hơn 28 tổ chức thanh toán trung gian để triển khai dịch vụ hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Thứ 2 là chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực quản trị nội bộ, giúp thay đổi phương thức điều hành, phong cách lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp trong toàn EVNSPC, trong đó lấy hệ thống Digital Office (văn phòng số) làm trung tâm. Số lượng văn bản ký số hoàn toàn của EVNSPC trong 1 năm từ 2021 - 2022 đạt 92,4%, với 363.086 văn bản, 1.300 phiên họp, hội thảo, đào tạo được tổ chức thành công qua ứng dụng hội nghị trực tuyến, chiếm trên 68% số cuộc họp được tổ chức… Thứ 3 là thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực kỹ thuật, an toàn. Thứ 4 là số hóa phương thức kinh doanh và dịch vụ khách hàng; cách điều hành, quy trình làm việc… Trong năm 2022, số khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến cấp độ 4 đạt tỷ lệ gần như tuyệt đối, 99,8 % với 561.681 khách hàng… Thứ 5 là chuyển đổi số trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng và là giải pháp cốt lõi nâng cao năng suất lao động, chất lượng công trình và hiệu quả trong từng khâu đầu tư xây dựng với hệ thống phần mềm quản lý đầu tư xây dựng (IMIS 2.0) là trung tâm, theo đó EVNSPC đã hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Giai đoạn 2 từ năm nay đến hết 2025, EVN và các đơn vị thành viên trở thành doanh nghiệp số, hoàn toàn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Khi EVNSPC trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, chắc chắn khách hàng sử dụng điện của Tổng công ty sẽ được hưởng lợi. Đó là các giao dịch đều dùng công nghệ 100% cho mọi dịch vụ; cải tiến việc thanh toán tiền điện hướng đến thay đổi dần hình thức thanh toán tiền mặt, đến nay EVNSPC đã hợp tác kết nối với trên 30 tổ chức thanh toán trung gian với mục tiêu phấn đấu đưa tỷ lệ khách hàng nộp tiền qua các hình thức thanh toán điện tử trong giai đoạn 2022-2025 trên 90%. Tiếp đến là ứng dụng công nghệ đo đếm điện năng tiên tiến, thông minh; sử dụng công nghệ đọc công tơ và thu thập dữ liệu từ xa để cải tiến dịch vụ phục vụ khách hàng... đáp ứng thời gian phục vụ người dân, tổ chức doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Đặc biệt, EVNSPC sẽ bám sát tiến độ xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử của 21 tỉnh, thành phố phía Nam để chủ động kết nối liên thông 1 cửa đến hệ thống dịch vụ công của các UNBD địa phương nhằm đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cấp điện đối với khách hàng, đồng thời hoàn thành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính của ngành điện. Bên cạnh đó, Trung tâm chăm sóc khách hàng tiếp tục tối ưu hóa vai trò phục vụ khách hàng qua các App, Zalo… tiếp nhận thông tin báo về sự cố điện 100% qua mạng hay tổng đài 19001006 nhanh nhất, tiện dụng nhất và chuyên nghiệp nhất.
Từ đầu năm 2022, EVNSPC xác định chuyển đổi số là chương trình trọng tâm quan trọng nhất, là động lực mạnh mẽ giúp EVNSPC tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tốc độ tăng trưởng và gia tăng uy tín đối với khách hàng. Đến nay, EVNSPC đã cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong một số hoạt động cốt lõi. Với 5 lĩnh vực trọng tâm về quản trị nội bộ; kỹ thuật, an toàn; đầu tư xây dựng; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; viễn thông công nghệ thông tin - hạ tầng số.
EVNSPC đã và đang thực hiện giai đoạn 2 với sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể, các cấp, phòng, ban và tập thể cán bộ công nhân viên trong đại gia đình EVNSPC. Mục đích phải chuyển đổi số đúng thời hạn, quyết liệt để hòa nhập trên nền tảng số cả nước. Với định hướng và cách tiếp cận theo lộ trình được Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra, EVNSPC sẽ nỗ lực thực hiện thành công, dần dần đưa công nghệ 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí. Đặc biệt, cải cách hành chính đồng bộ ở các cấp nhằm thực hiện lộ trình đưa ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng sử dụng dịch vụ điện một cách nhanh chóng, hiệu quả.